Chinh phục đỉnh Bà Đen Tây Ninh 986m, ngon núi cao nhất miền Nam luôn hấp dẫn đối với tất cả mọi người đặc biệt là những bạn trẻ đam mê phượt và khám phá. Đỉnh Bà Đen có không khí vô cùng trong lành, từ đỉnh có thể nhìn bao quát toàn cảnh thành phố Tây Ninh, cũng như rừng núi và “biển hồ” Dầu Tiếng hiện ra vô cùng hùng vĩ. Đỉnh Bà Đen là một trong những nơi “săn mây ” tuyệt đẹp không thể bỏ qua tại khu Nam bộ.
1. Lựa chọn cung đường leo núi
Đường chùa (nửa đường là bậc thang lên chùa Bà, nửa đường còn lại là đất đá như hình dưới)
Đường cột điện ( đường thẳng, đất đá như hình, cứ bám theo hướng các cột điện sẽ lên đỉnh)
Đường Ma Thiên Lãnh (đường dài nhất, dễ lạc nhất, xa nhất, lời khuyên là lần đầu tiên leo thì đừng đi cung này)
Những lưu ý, thông tin quan trọng khi phượt núi Bà Đen: Điều cần nhớ, cần chuẩn bị.
Vật dụng cá nhân:
- Giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe, bằng lái, ví tiền, mũ bảo hiểm.. là những vật bất ly thân không thể thiếu.
- Đồ điện tử: máy ảnh, máy điện thoại, pin, sạc…
- Bạn cần ưu tiên quần áo gọn nhẹ, thoáng khí, co dãn tốt, thấm mồ hôi, với số lượng 1 ngày 1 bộ/sáng, 2 ngày 2 bộ và Áo ấm vào ban đêm khuya (vì buổi tối trên núi nhiệt độ thấp nên hơi lạnh).
- Áo mưa (dùng trải lót lưng ngủ chống mưa, làm bạt ngồi, hoặc đơn giản mặc vào đi trong mưa)
- Đèn pin để dùng ban đêm
- Hai bịch nilong đựng rác (để đựng đồ điện tử hoặc bọc giầy cho vào lều khỏi mưa ướt)
Áo phản quang (ban ngày cũng mặc, mục đích là nhận ra nhau khi chạy xe và an toàn nếu về tối) - Giày đế mềm (đi dép lào leo núi đường cột điện cũng không sao)
Găng tay (hở ngón hoặc kín đều được, dùng để bám đá hoặc bảo vệ tay trước gai xước nhỏ) - Mũ lưỡi trai (tránh nắng)
- Bản đồ
Lưu ý: Tránh mang nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, sẽ gây khó khăn cho việc di chuyển lên đỉnh núi.
Đồ ăn và nước uống:
- Mì ly, xúc xích, sandwich, dưa leo, socola, bánh gạo, kẹo, chà bông, trái cây và viên C sủi.
Trái cây: Táo và quýt là hai loại thông dụng, dễ mang cũng như bảo quản (cái này để phân công mua rồi chia nhau mang). - Nước uống: 1 lít dùng cho đi lên, 0.5 lít tối sinh hoạt, 0.5 lít dùng đi xuống. Một kinh nghiệm thực tế là pha tắc hoặc chanh với đường và mật ong, nhớ cho thêm ít muối để tạo chất điện giải bù mất nước hiệu quả. Nếu chỉ uống nước thuần sẽ bị ngộ độc nước gây rũ nước và mệt. Có thể dùng mật ong pha loãng cũng được (dân đạp xe đạp đường trường hay xài). Có thể mua dưới chân núi. Đặc biệt là không mang theo nước dừa nhé.
- Chuẩn bị 2 lều (lều chuyên dụng cho 4 người)
2. Di chuyển từ Tp.HCM đến Núi Bà Đen
Theo kinh nghiệm, để leo núi Bà Đen thuận tiện và an toàn nhất, các bạn có thể di chuyển bằng xe buýt hoặc xe máy hoặc xe khách tới đây.
- Xe buýt: chúng ta sẽ đi 2 chặng là Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) đi Gò Dầu (Tây Ninh) và tuyến tiếp theo là từ Gò Dầu đi Long Hoa.
- Xe khách: Đi một số xe khách chất lượng cao đến TP.Tây Ninh ( Xe Đồng Phước, Xe Quốc Dũng, Lê Khánh…)
- Xe máy: Các bạn đi theo quốc lộ 22 theo hương đi Tây Ninh – tới huyền Gò Dầu – tới quốc lộ 22 rẽ thành hai nhánh là quốc lộ 22A đi Mộc Bài và quốc lộ 22B đi Tây Ninh – chạy theo quốc lộ 22B – tới thị xã Tây Ninh – đi thêm 5 km là tới núi Bà Đen.
Ngoài cung đường trên các bạn có thể di chuyển theo lộ trình sau: Chạy theo quốc lộ 22 – ngã ba Trảng Bàng – rẽ trái đi Dương Minh Châu (cách di chuyển này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian).
3. Lịch trình chi tiết
Ngày 1:
6:30: Tập trung tại CV Hoàng Văn Thụ.
7:00: Xuất phát đi Tây Ninh
8:00: Dừng ăn sáng tại phở Quỳnh
9:00: Di chuyển tiếp
11:30: Tới KDL núi Bà Đen (46.5 km), gửi xe ăn trưa tới 12:00
12:00: Thảo luận nhóm trước lúc leo
12:30: Xuất phát theo đường cột điện lên đỉnh núi
17:00: Lên tới đỉnh núi. Do đây là lần đầu leo núi Bà Đen và trong nhóm có một số bạn không tập thể lực nên thời gian leo khá lâu.
17:30: Dựng trại và chuẩn bị ăn tối
Lưu ý: Mỗi thành viên trong đoàn đều phải mang vác ít nhất từ 7 kg – 10 kg bao gồm cả vật dụng cá nhân, nước uống, thức ăn và lều trại. Trong vòng một giờ đầu tiên, bạn sẽ thấy uể oải vì mệt, vì thời tiết nóng… nhưng bù lại bạn được thiết đãi vô vàn cảnh đẹp.
Ngày 2:
4:30: Thức dậy ngắm bình minh, nhớ là nên thức dậy trước 5:00 để chờ bình minh lên vì chỉ muộn vài giây thôi, bạn cũng đã đánh mất những giây phút đẹp của mây trời cùng hòa hợp tạo nên.
Khoảng 5:30 mặt trời bừng đỏ trên nền trời, hắt những vệt nắng hồng xuống lòng hồ Dầu Tiếng, khiến bức tranh thôn quê ngày mới tràn đầy sức sống. Nhất định phải ngắm bình mình nhé, vì nếu leo núi Bà Đen mà không ngắm được cảnh tượng đẹp ấy thì coi như chưa đặt chân đến đâu.
7:00: ăn sáng, uống cà phê và hạ trại. Các bạn nên thu dọn sạch sẽ rác mang xuống nhé! Đừng để lại bất cứ thứ gì mình mang lên.
7:30: Xuất phát xuống núi
13:00: Chúng mình đã có mặt tại chân núi và mệt rã rời. Sau khi đã xuống núi các bạn nên nghỉ ngơi thư giãn một chút và ăn trưa rồi lên trở về Sài Gòn. Lúc về các bạn vẫn đi theo đường và lịch trình như lúc đi nhé. Cứ chạy xe thong thả thong dong thôi, đừng vội vàng. Nhớ là đói đâu ăn đó, mệt đâu nghỉ đó nhé.
17:00: Bọn mình đã về tới Sài Gòn an toàn.
4. Chi phí dự kiến cho việc di chuyển bằng xe máy
Tiền xăng xe: 100.000 VND / xe / 2 ngày
Đồ ăn vặt, nước uống và đồ ăn sáng nhẹ hôm sau: 50.000 VND / người.
Lều ngủ: 50.000 VND / người.
Ăn trưa: 2 bữa x 25.000 VND / bữa = 50.000 VND / người.
Tiền lặt vặt: 100.000 VND / người.
Tổng tiền: 300.000 VND / người.
Bên trên là một vài trải nghiệm cũng như kinh nghiệm leo núi Bà Đen của nhóm mình, bạn nào có đi cung này rồi, đọc thấy cần bổ sung gì thêm thì tư vấn cho mình nhé. Và cuối cùng, mình muốn nhắn nhủ với các bạn rằng: “Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân”. Hãy là những người trẻ du lịch có văn minh các bạn nhé!
Chúc bạn một chuyến đi vui vẻ và có những trải nghiệm thú vị ở núi Bà Đen. Và nhớ giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi, nhớ mang rác xuống chân núi nhé !!!
Chang Đường
tanitour.vn tổng hợp